Du lịch không dừng lại ở việc thưởng thức cảnh đẹp mà còn là hành trình khám phá văn hóa. SaPa được biết đến là mảnh đất với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Không những vậy, nơi đây còn có nền văn hóa đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc. Khám phá văn hóa SaPa sẽ cho bạn thấy được vẻ đẹp của các dân tộc sinh sống nơi đây.
Giới thiệu về văn hóa SaPa
SaPa là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lào Cai. Nơi đây được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh sắc thiên hùng vĩ. Nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển, SaPa là nơi gặp gỡ, giao thoa giữa đất với trời.
Trong làn sương mờ với những dãy núi hùng vĩ hiện lên những mái nhà tranh đơn sơ, vách nứa. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Mông, Dao, Tày, giáy, Xá Phó có số lượng cư dân lớn.
Mỗi một dân tộc đều có những nét đẹp văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc mình. Những tập tục truyền thống lâu đời được người dân gìn giữ và phát huy. Chính những điều này khiến SaPa trở thành nơi quy tụ của nhiều nền văn hóa độc đáo, mới lạ. Làm cho văn hóa SaPa trở nên đa dạng về loại hình và phong phú về hình thức.
Hiện nay, ở SaPa văn hóa của các dân tộc thể hiện ở nhiều mặt như trang phục truyền thống, hệ thống các lễ hội, ẩm thực, phong tục tập quán, văn học và nghề truyền thống. Tất cả đã thổi một luồng gió mới lạ cho du lịch SaPa. Đồng thời góp phần đưa du lịch SaPa phát triển.
Khám phá nét đẹp văn hóa của các dân tộc sinh sống ở SaPa
Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên thì văn hóa cũng là điều mà du khách muốn khám phá khi ghé thăm nơi này. Văn hóa SaPa trở nên đa dạng chính là nhờ vào sự kết tinh văn hóa của các dân tộc. Một trong số đó phải kể đến nền văn hóa của các dân tộc sau.
Dân tộc Mông
Người Mông là dân tộc có số dân đông nhất ở SaPa, chiếm hơn 53% dân số của thị xã. Ở SaPa chủ yếu là người Mông đen và thường tập trung sinh sống ở các dãy núi cao. Địa bàn sinh sống cụ thể của họ là ở các bản Cát Cát, Lao Chải, Tả Giàng Phình và Séo Mí Tý. Trong đó, bản Cát Cát có số lượng người Mông sinh sống đông nhất.
Do địa hình cư trú ở các dãy núi cao nên hình thức canh tác chủ yếu trên các nương rẫy với hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng lúa nước và ngô. Bên cạnh đó, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ các nghề thủ công truyền thống như trồng bông, dệt vải và chế tác trang sức.
Văn hóa người Mông còn thể hiện thông qua trang phục truyền thống của họ. Trang phục người Mông ở SaPa có nét đặc sắc riêng không giống ở những nơi khác. Nam và nữ sẽ có trang phục khác nhau và trang phục lễ hội cũng khác trang phục ngày thường.
Một điều đặc biệt trong văn hóa người Mông đó chính là các lễ hội truyền thống. Đến nay, người Mông vẫn còn gìn giữ và phát triển các lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc mình. Một trong số đó phải kể đến lễ hội Gầu Tào, một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và có giá trị văn hóa, tâm linh khó phai mờ.
Dân tộc Dao đỏ
Người Dao ở SaPa chủ yếu là người Dao đỏ, có dân số đông thứ hai sinh sống tại SaPa. Địa bàn sinh sống của người Dao đỏ là ở thung lũng hoặc lưng chừng núi. Họ sống tập trung đông nhất ở Tả Phìn, Nậm Cang, Thanh Kim, Suối Thầu và Trung Chải. Với địa hình như vậy nên hoạt động sản xuất của họ là trỉa ngô, trồng lúa và chăn nuôi.
Văn hóa người Dao còn thể hiện trong trang phục truyền thống của họ. Vì rất giỏi trong việc đan lát, thêu thùa nên trang phục của họ rất cầu kỳ và đặc sắc. Bộ trang phục hoàn chỉnh bao gồm: áo, yếm, xà cạp, khăn vấn đầu,… cùng các loại trang sức. Trang phục của họ được xem là đẹp nhất trong mỗi phiên chợ SaPa.
Nét đẹp văn hóa của người Dao còn thể hiện ở chữ viết. Người dao có chữ viết riêng của họ, dựa theo chữ cổ của Hán ngữ họ đã tạo ra chữ viết của mình đó là chữ Nôm – Dao. Loại chữ này không được dùng phổ biến nên chỉ có người cao tuổi mới hiểu và đọc, viết được.
Người Dao cũng có những lễ hội, phong tục tập quán cũng như quan niệm sinh sống riêng của mình. Lễ hội thể hiện rõ nét nhất văn hóa của người Dao đó chính là lễ hội Cấp sắc. Đây là lễ hội được đánh giá là mang đậm dấu ấn văn hóa người Dao, được người Dao gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Dân tộc Tày
Chiếm 4,74% dân số trên địa bàn, người Tày là dân tộc có số dân đông thứ ba ở SaPa. Địa hình sinh sống của họ thường là ở dưới lòng thung lũng, bên bờ các suối lớn và có đồng ruộng bằng phẳng. Ở SaPa, họ thường lập bản sinh sống ở Thanh Phú, Nậm Sài, Bản Hồ, Tả Van, Lao Chải. Với địa hình như vậy nên hoạt động sản xuất chủ yếu của họ là nông nghiệp lúa nước.
Văn hóa người Tày thể hiện qua trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trang phục truyền thống của họ khá đơn giản nhưng mang nét đặc trưng. Màu sắc chính trong trang phục người Tày là màu chàm thẫm (xanh đen), trên trang phục ít thêu thùa họa tiết, hoa văn. Người Tày ít có thói quen sử dụng trang sức nên nhìn khá đơn điệu.
Người Tày cũng có những lễ hội, phong tục tập quán mang bản sắc dân tộc mình. Những tập tục văn hóa này được người Tày gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội được xem là mang đậm dấu ấn của dân tộc Tày đó chính là lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Một điều đặc biệt trong văn hóa người Tày đó chính là họ có những làn điệu dân ca riêng. Nổi tiếng nhất phải kể đến là làn điệu dân ca hát lượn, hát khắp. Chính những điều này góp phần làm đa dạng văn hóa của dân tộc Tày.
Dân tộc Giáy
Ở SaPa, dân tộc Giáy không nhiều, chỉ chiếm 2% dân số của thị xã. Địa hình sinh sống của họ là ở các thung lũng, lưng chừng núi. Họ tập trung chủ yếu ở thung lũng Tả Van, Lao Chải. Với địa hình như vậy nên hoạt động sản xuất chính của họ là trồng lúa nước và chăn nuôi. Đặc biệt người Giáy nổi tiếng với các nghề thủ công như đan lát, đóng đồ gỗ, chưng cất dầu hồi.
Cũng như những dân tộc khác, người Giáy cũng có trang phục truyền thống riêng của dân tộc mình. Tuy nhiên, trang phục của họ khá đơn giản, ít thêu thùa trang trí họa tiết. Điểm nhấn duy nhất trên trang phục của họ là các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Người Giáy cũng không có nhiều lễ hội truyền thống, phong tục tập quán hay tín ngưỡng dân gian. Lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc người Giáy đó là lễ hội Gióng Poọc được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Điểm nổi bật trong văn hóa người Giáy đó chính là họ có kho tàn văn học, ca dao phong phú. Tất cả các hoạt động ma chay, cưới hỏi, chúc tụng ở SaPa đều sử dụng dân ca của người Giáy.
Khám phá văn hóa của các dân tộc sẽ mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về văn hóa SaPa. Du lịch văn hóa SaPa không dừng lại ở việc trải nghiệm, khám phá mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, nét đẹp của các dân tộc sinh sống nơi đây. Chính vì vậy, hãy liên hệ ngay với nhà xe Kadbus để có chuyến hành trình khám phá đầy lý thú.